Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ mênh mông như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo ẩn mình dưới bóng dừa râm mát, bỗng chỉ trong vài năm gần đây Mũi Né đã mọc lên hàng trăm khu resort.
PHAN THIẾT
Đất Bình Thuận nguyên thuộc nước Nhật Nam ngày xưa, sau là đất của Chiêm Thành. Vì chiến tranh liên miên nên Chiêm Thành mất dần đất đai.
Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh chiếm đất Phan Lang (sau gọi là Phan Rang), và chỉ để lại mảnh đất phía Tây cho Chiêm Thành.
Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn mảnh đất còn lại và năm 1694 đặt là Thuận Thành trấn.
Năm 1697: Lập Bình Thuận phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Sau cải thành Bình Thuận Dinh. Đời vua Gia Long vẫn giữ Bình Thuận dinh, đến vua Minh Mạng đổi lại Bình Thuận phủ.
Năm 1827: Minh Mạng đặt ra hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận và hai huyện Tuy Phong và Tuy Định. Bình Thuận được đặt thành tỉnh và giao cho quan Tuần phủ Thuận Khánh kiêm nhiệm luôn tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1883: Hòa ước ký với Pháp (ngày 23 tháng 7) sáp nhập Bình Thuận vào Nam Kỳ.
Năm 1884: Hòa ước Patenôtre (ngày 6 tháng 6) lại đưa Bình Thuận về Trung Kỳ.
Năm 1888, vua Đồng Khánh chuyển phủ Ninh Thuận vào Khánh Hòa.
Năm 1900, vua Thành Thái đặt huyện Tuy Lý và lấy huyện Tánh Linh trước thuộc Đồng Nai Thượng sáp nhập vào Bình Thuận.
Năm 1905: Phủ Di Linh được nhập vào Bình Thuận.
Trước năm 1975: Bình Thuận có 8 Quận: Hàm Thuận, Phú Quý, Thiện Giáo, Hải Long, Hải Ninh, Hòa Đa, Tuy Phong và Phan Lý Chàm.
Năm 1976: Bình Thuận sáp nhập với Bình Tuy và Ninh Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Đến tháng 4 năm 1992, Thuận Hải lại chia ra thành hai tỉnh riêng: Bình Thuận và Ninh Thuận. Bình Thuận bây giờ vẫn bao hàm cả Bình Tuy (huyện Hàm Tân bây giờ). Thủ phủ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết, cách Thành phố Hồ Chí Minh 200 km.
Bình Thuận có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, nhất là văn hoá Chăm pa với nhóm di tích tháp Chàm cổ Pôshanư, đền thờ Poklong Mơhnai và hơn 100 bảo vật hoàng tộc Chăm nguyên gốc quý hiếm được bà Nguyễn Thị Thêm, hậu duệ vua Chăm lưu giữ, trong đó có vương miện, áo bào, hia hài, vòng xuyến của vua và hoàng hậu. Người Chăm là một trong những người đầu tiên phát hiện ra công dụng của nước khoáng Bình Thuận. Họ đã dùng nước khoáng này chữa bệnh và chế nước thơm rửa tượng thánh. Bằng nước khoáng Bình Thuận, vào thế kỷ 13, người Chăm đã chữa khỏi bệnh phong cho vua Chế Mân của họ. Công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần và cũng là hoàng hậu của vua Chế Mân rất ngạc nhiên về sự màu nhiệm, huyền bí của suối nước này nên đã đặt tên suối là Vĩnh Hảo. Người Pháp cũng khai thác nước khoáng Vĩnh Hảo từ năm 1920. Đến nay, nước khoáng Vĩnh Hảo đã nổi tiếng trong nước và đang từng bước vươn ra xuất khẩu trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Du lịch
Ngày 24 tháng 10 năm 1995, hàng vạn người bao gồm các nhà khoa học, khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về Mũi Né - Phan Thiết để chiêm ngưỡng và nghiên cứu hiện tượng nhật thực toàn phần cũng đồng thời nhận ra nơi này có nhiều cảnh quan kỳ thú và tiềm năng du lịch phong phú. Đây được coi là mốc thời gian mà Bình Thuận bắt đầu có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Là một tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cảnh quan tự nhiên và thơ mộng, giao thông thuận lợi, Bình Thuận đang là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.
Đã đầu tư xây dựng các quần thể du lịch - nghỉ mát - thể thao - leo núi - du thuyền - câu cá - đánh golf - nghỉ dưỡng - chữa bệnh tại khu vực phường Mũi Né (thành phố Phan Thiết), Hàm Tân, Tuy Phong phục vụ du khách. Hiện nay, thành phố Phan Thiết đang có một sân golf 18 lỗ, đang triển khai xây dựng sân golf thứ hai mang tầm vóc quốc tế, 5 khách sạn lớn, nhiều làng du lịch cao cấp, hệ thống nhà nghỉ ven biển... sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ăn nghỉ, vui chơi giải trí của du khách và các nhà đầu tư. Bình Thuận còn có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, danh làm thắng cảnh hấp dẫn.
Danh lam thắng cảnh và di tích
Một đồi cát ở Bình Thuận
Mũi Né
Núi Tà Cú
Tháp Pôshanư
Dinh Vạn Thủy Tú
Trường Dục Thanh
Hải đăng Khe Gà
Những cái nhất nước
Khu vực đồi cát Mũi Né đẹp nhất và hoạt động du lịch dã ngoại sôi động nhất. (Phan Thiết)
Tháp nước có kiến trúc đẹp nhất (cao 32m, do Hoàng thân Lào Xuvanuvông thiết kế). (Phan Thiết)
Đền thờ cá voi lớn nhất mang tên Vạn Thủy Tú, nơi lưu giữ hơn 100 bộ xương cá voi. (Phan Thiết)
Ngọn hải đăng Khê Gà bằng đá cao nhất (cao 100 m). (Hàm Thuận Nam)
Tượng Phật trên núi Tàkóu là tượng Phật nằm lớn và dài nhất (49 m). (Hàm Thuận Nam)
Bãi đá Cổ Thạch nhiều hình hài màu sắc nhất. (Tuy Phong)
Bình Thuận còn là vùng trồng cây thanh long nhiều và ngon nhất, sò điệp nhiều và có giá trị nhất.
Bình Thuận là địa phương có nhiều cuộc thi, lễ hội dân gian độc đáo nhất như: đua thuyền trên sông Cà Ty (mồng 2 tết hằng năm), chinh phục núi Tàkóu, chạy việt dã vượt đồi cát Mũi Né và lễ hội rước đèn Trung thu (Phan Thiết) có quy mô lớn nhất dành cho trẻ em được ghi vào sách Kỉ lục Guiness Việt Nam.
Mũi Né là tên một mũi biển, một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết. Ngày nay, Mũi Né là một phường của thành phố Phan Thiết và đang hình thành đề án nâng cấp thành thị xã của tỉnh Bình Thuận.
Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ mênh mông như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo ẩn mình dưới bóng dừa râm mát, bỗng chỉ trong vài năm gần đây Mũi Né đã mọc lên hàng trăm khu resort. Theo ước tính, Mũi Né chiếm hơn 70% số lượng resort của Việt Nam và nghiễm nhiên trở thành "thủ đô resort".
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né được nối liền với thành phố biển này bởi con đường Nguyễn Đình Chiểu - huyết lộ duy nhất này được coi là tuyến trọng yếu cho ngành du lịch của Bình Thuận.
Khi đến Mũi Né, du khách sẽ có thể được tham quan làng chài Mũi Né, có cơ hội chứng kiến được hoạt động của một làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam. Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây nương náu. "Mũi" là cái mũi đất đưa ra biển; "Né" có nghĩa là để né tránh. Nơi đây có sự hài hòa giữa màu trắng của cát, màu vàng óng của nắng và màu xanh thẳm của biển tạo cảm giác ấm áp và trong lành, thu hút rất nhiều du khách.
Du khách đến Mũi Né (Bình Thuận) ngoài việc tắm biển thỏa thích, còn được chứng kiến cảnh thọc tiết tôm và thưởng thức món này. Điều khá thú vị là tiết canh tôm thực hiện cũng gần giống như tiết canh vịt, có điều tiết tôm có màu trắng! Con tôm có tiết cân nặng ít nhất từ 0,8 kg trở lên, khi thọc tiết phải có hai người giữ con tôm mới có thể lấy tiết được. Một con tôm khi thọc tiết xong, chế biến được rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, đậm đà hương vị vùng biển.
Pôshanư là một nhóm di tích đền tháp Chăm quý giá còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hải, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về phía Đông Bắc.
Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Vương quốc Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Pôshanư là một trong những cụm tháp Chàm còn tương đối nguyên vẹn.
Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Shiva - là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính.
Thế kỷ 15, xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pôshanư. Công chúa Pôshanư (con vua ParaChanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý.
Năm 1992-1995, những cuộc khai quật khảo cổ tại nơi này đã phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế kỷ 15. Từ đây tháp có tên gọi là Pôshanư.
Từ năm 1990 đến năm 2000, di tích được chính quyền tỉnh Bình Thuận tu bổ, tôn tạo.
Năm 1991, di tích này Nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Sinh hoạt văn hoá
Tháng giêng âm lịch hàng năm, dưới chân tháp đều có diễn ra các lễ hội như Rija Nưga, Poh Mbăng Yang... Người Chăm làm lễ cầu mưa, cầu an...
Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh kỳ thú và là một điểm leo núi hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận.
Quanh năm không khí ở Tà Cú trong lành, mát mẻ. Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22oC. Xưa kia đây là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt cho những người bệnh gan hoặc bệnh ngoài da.
Để lên tới đỉnh ngọn núi nằm trong khu rừng cấm, du khách có thể cần 2 giờ để vượt qua 2.290 m đường dốc cheo leo, khúc khuỷu với những bậc đá có từ vài chục năm trước. Dọc ngang lối đi vô số những thân, rễ cây bò xuôi ngược. Bằng Lăng là đoạn dốc cao nhất, nghiêng 45o. Du khách sẽ rất vất vả để leo qua đoạn đường này, nhưng bù lại có thể ngắm nhìn những thân bằng lăng cổ thụ rải đầy hoa tím lẫn với một loài hoa cánh trắng mảnh mai, trôi dạt trên dòng nước chảy men theo sườn núi. Cách đỉnh 1.250 m, đường đi đã dễ dàng hơn. Lúc này du khách có thể chiêm ngưỡng trời xanh thoắt ẩn thoắt hiện qua tán rừng và thung lũng mờ ảo qua màn sương bên dưới. Khi lên tới đỉnh, thiên nhiên trên núi Tà Cú đã không phụ lòng người, đẹp như cõi bồng lai. Tà Cú có phong cảnh hữu tình với những phiến đã muôn hình vạn trạng, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cùng khí hậu trong lành, thanh tịnh như chốn thần tiên. Hoặc du khách có thể ngồi 10 phút trong cabin "bay" theo đoạn dây cáp dài 1.600 m ở độ cao 500m, ngắm nhìn khu rừng xanh bao la.
Nằm ở độ cao 563m (chưa tới đỉnh) là hai ngôi chùa: chùa Trên (Linh Sơn Trường Thọ) và chùa Dưới (Long Đoàn), cùng bậc thang đá cao và những ngọn tháp. Ở đây có bức tượng Phật Thích Ca nằm, làm bằng bê tông, quét vôi trắng dài 49 m nằm giữa bốn bề là núi non trùng điệp, xa xa là biển xanh. Đây là bức tượng lớn nhất Đông Nam Á, lớn hơn tượng Phật nằm dài 45m trong chùa Wat Po ở Bangkok - thủ đô Thái Lan.
Khi đã đứng trên đỉnh núi, du khách có thể thả hồn thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên xung quanh đẹp như một bức tranh thủy mặc. Phía xa là bờ biển Hàm Tân trãi dài như vô tận với màu xanh biêng biếc, những cây cổ thụ đứng trầm lặng dưới những áng mây. Ở trên cao,hướng tấm mắt về phía Quốc lộ 1A, nhà cửa, ruộng vườn đan xen nhau thành từng vuông vức. Ngay từ 5 giờ chiều sương mù đã bắt đầu bảng lảng khắp thung lũng. Đêm xuống, những tảng sương dày đặc, bao phủ khắp núi rừng.
Hải đăng Khe Gà nằm trên một hòn đảo thuộc xã Thuận Quý, trước thuộc huyện Hàm Tân, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Sở dĩ có tên gọi Khe Gà hay còn gọi là Kê Gà vì mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà. Hòn đảo này rộng 5 ha với hàng trăm cụm đá hoa cương vàng rực muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây sứ đại thụ.
Mũi đất này còn được người dân địa phương gọi là Mũi Điện do ngọn hải đăng ở đây phát sáng bằng năng lượng điện. Tuy nhiên, cái tên Mũi Điện cũng được dùng ở nhiều ngọn hải đăng khác như Đại Lãnh (Nha Trang), Bãi Môn (Phú Yên)...
Hiện nay, hòn đảo Khe Gà và ngọn Hải đăng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách khi đến tham quan tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Khe Gà còn là di tích kiến trúc độc đáo.
Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, Mũi Khe Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn Hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng hải đăng, có rất nhiều người chết do tai nạn. Hiện nay, ở đây vẫn còn nghĩa địa yên nghỉ của những người đã chết khi xây dựng công trình này.
Bên trong hải đăng có 184 bậc thang xoáy ốc bằng thép dẫn đến đỉnh Hải đăng cùng hàng chục bậc tam cấp dẫn lên đến đỉnh đèn. Xung quanh chân Hải đăng có hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi do người Pháp trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, toả bóng mát quanh năm. Tất cả đều được đưa từ Pháp sang, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện. Với quy mô này, Hải đăng Khe Gà hiện là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung.
Thanh long một loài cây được trồng làm cảnh hay lấy quả, là tên của một vài chi của họ xương rồng. Người ta cho rằng nó có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Nó cũng được trồng ở các nước như Trung Quốc, Đài Loan và trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines. Việc trồng loại ruột trắng vỏ đỏ hay hồng ở Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines v.v. là lấy giống từ Bình Thuận, Việt Nam và hiện nay (năm 2005) mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu.
Các hạt giống như hạt vừng đen nằm lẫn lộn trong ruột. Lớp cùi thịt trong ruột thường được ăn ở dạng quả tươi, có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít cung cấp calo. Hương vị của nó đôi khi giống như hương vị của quả kiwi (Actinidia deliciosa). Quả có thể chế biến thành nước quả hay rượu vang; hoa có thể ăn được hay ngâm vào nước giống như chè. Mặc dù các hạt bé tí xíu của chúng được ăn cùng với thịt của ruột quả nhưng chúng không bị tiêu hóa.
Loại ruột đỏ
Loại ruột trắng
HOTLINE: 0966 99 44 22 - 0982 99 77 22
.jpg)